Tiêu chảy là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bởi đường tiêu hóa của trẻ nhỏ thường yếu và chúng thường hay hoạt động, chơi đùa rồi ăn uống mà không chịu rửa tay trước khi ăn. Những tưởng vì là căn bệnh thường gặp mà chủ quan thì đây sẽ là sai lầm trí mạng của các bậc phụ huynh đấy nhé. Bởi tiêu chảy có thể là biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp cực nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, có thể dẫn đến tử vong vì mất nước và chất điện giải trong quá trình bị bệnh. Chính vì thế nên phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ nhỏ là việc vô cùng quan trọng và cần thiết.
Mục lục
Tiêu chảy cấp là gì?
Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày, đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày. Nếu không được chăm sóc đúng cách, tiêu chảy cấp có thể gây ra tình trạng mất nước và điện giải, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
- Tiêu chảy: Là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước ≥ 3 lần trong 24 giờ.
- Tiêu chảy cấp: Là tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày.
Tiêu chảy cấp do nguyên nhân gì gây nên?

Tiêu chảy cấp có thể xảy ra do các nguyên nhân chính bao gồm:
- Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi.
- Vi khuẩn: E.coli, Shigella, Tả, Campylobacter Jejuni , Salmonella …
- Ký sinh trùng: Giardia, Cryptosporidium, amip.
- Các nhiễm trùng khác: nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, Viêm màng não,…
- Tiêu chảy cấp do thuốc, thức ăn, dị ứng,…
Yếu tố thuận lợi dẫn đến tiêu chảy cấp:
- Tuổi: 80% trẻ bị tiêu chảy < 2 tuổi, lứa tuổi cao nhất từ 6-18 tháng.
- Trẻ mắc một số bệnh gây giảm miễn dịch: Suy dinh dưỡng, sau sởi, HIV/AIDS…
- Tập quán làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp: Cho trẻ bú chai hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu. Cai sữa quá sớm. Thức ăn bị ô nhiễm. Nước uống bị ô nhiễm hoặc không đun chín. Không rửa tay trước khi ăn.
- Mùa: Mùa hè các bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn cao, mùa đông tiêu chảy thường do Rotavirus.
Trẻ bị tiêu chảy cấp có những biểu hiện gì?

- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng, có thể có tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 – 10 lần/ ngày, hoặc hơn. Phân của trẻ nhìn có thể sệt, lỏng, nhiều màu vàng, xanh, hoặc nâu.
- Trẻ bú sữa mẹ có thể dễ sản xuất phân nhiều lần hơn và phân có nước nhiều hơn so với trẻ uống sữa công thức. Trẻ từ 1 tuổi trở lên, thông thường có khoảng 1 – 2 lần đi tiêu một ngày.
- Phân trong tiêu chảy cấp thường lỏng nhiều, có nhiều nước, mùi hôi tanh. Bên cạnh đó, vì đây là một hiện bệnh đường ruột, trẻ sẽ có thêm những triệu chứng khác, như mệt, quấy khóc nhiều, sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng,..
- Thông thường, ở trẻ dưới 1 tuổi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường. Đối với trẻ trên 1 tuổi, là khi trẻ đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần một ngày trở lên.
Phương pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ
Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng:
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ. Không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
- Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.
- Hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín; các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua…
- Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.
- Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt. Nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió. Nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.
- Hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay; đám giỗ, cưới xin, liên hoan… trong vùng đang có dịch.
Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch
- Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ; có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối… chảy vào.
- Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B.
- Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối…
Nếu trẻ bị tiêu chảy cấp phải làm sao?
Phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời; không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng. Tiêm phòng Vắc-xin là biện pháp phòng ngừa tiêu chảy hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
>>> Làm sao để có thể phòng bệnh quai bị cho trẻ?