Hầu hết chúng ta đều thầm hy vọng rằng một ngày nào đó y học phát triển có thể tìm ra thuốc trường sinh. Nhưng suy cho cùng thì sự thật vẫn là sự thật, ai rồi cũng sẽ già đi, các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đến một ngày nào đó cũng sẽ già đi và không còn tươi trẻ như khi còn trẻ. Đó là lúc chúng ta tạm biệt tuổi trẻ và trở thành người già, đây là quy luật của tự nhiên. Nhưng chúng ta cũng biết rằng ở đâu đó, có người sống lâu và khỏe mạnh, nhưng cũng có người sống được một quãng thời gian rất ngắn. Và chúng ta luôn có câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đối phó với tình trạng suy giảm chức năng của người cao tuổi?
Mục lục
Người cao tuổi phải đối mặt với những vấn đề gì?
Những vấn đề mà người cao tuổi thường phải đối mặt đó là: Nguy cơ ngã, bệnh cơ xương khớp như thoái hoá khớp, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, trầm cảm, sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não, rối loạn tiểu tiện, rối loạn dinh dưỡng, suy giảm thị lực và thính giác và rối loạn chức năng tình dục.
Rất dễ bị ngã
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngã xảy ra trong hơn 30% người trên 65 tuổi. Nguyên nhân thường do teo cơ và yếu cơ, đau xương khớp, mắt kém, liệt nửa người, lú lẫn, sa sút trí tuệ và các rối loạn nhận thức khác, đường đi lối lại trơn trượt không bằng phẳng…
Xuất hiện hiện tượng thoái hoá cơ xương khớp, loãng xương
Khi tuổi trên 40, hiện tượng thoái hoá khớp, gân, bao khớp, dây chằng càng dễ xảy ra. Chỉ cần đi hơi nhanh, làm động tác sai tư thế (mặc dù vẫn như trước đây đã từng làm) là bạn có thể bị đau xương khớp, lệch vẹo người, đau tê chân tay, đi lại khó khăn.
Vấn đề rối loạn tiểu tiện
Người cao tuổi thường tiểu nhiều lần về đêm, tiểu gấp, vội tiểu… Đây là vấn đề ít được quan tâm. Người bệnh ngại thổ lộ vì cứ nghĩ mình già rồi nên bị vậy. Tuy ưu phiền đấy nhưng không bao giờ chủ động đi khám bác sĩ. Trừ khi họ thấy xuất hiện các biến chứng. Vấn đề rối loạn tiểu tiện chủ yếu gặp trên 20% nữ từ 40- 80 tuổi. Vì vậy người cao tuổi rất ngại đi xa, ngại giao tiếp, giảm chất lượng cuộc sống.
Chức năng tình dục bị rối loạn
Nam giới thì giảm cương dương, còn nữ giới thường thấy khô âm đạo. Ngoài ra, sa sút trí tuệ, trầm cảm, rối loạn dinh dưỡng do ăn uống kém khó nhai nuốt cũng là những tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi.
Suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ hay mất trí nhớ là thuật ngữ chỉ tình trạng não bộ hoạt động không bình thường. Phổ biến ở những người cao tuổi khi não bộ đã bước vào. Căn bệnh này khiến người bệnh nhầm lẫn, trí nhớ giảm sút. Thậm chí là họ không còn khả năng chăm sóc bản thân hay kiểm soát cảm xúc chính mình.
Suy giảm thính lực
Khi tuổi trên 50, toàn bộ tai con người bị thoái triển. Da ống tai ngoài dần dần bị teo, mất nước, ứ đọng dáy tai tạo thành nút dáy. Màng nhĩ dày đục, mất bóng. Xuất hiện các mảng xơ nhĩ, chuỗi xương con ở tai giữa bị tổn thương dạng xốp xơ, hiện tượng canxi hóa các khớp xương trong chuỗi dẫn truyền âm thanh làm suy giảm thính lực.
Quá trình lão hóa làm tổn thương các tế bào nghe ngày càng nặng lên. Dây thần kinh thính giác và các mạch máu nuôi dưỡng cũng bị thoái hóa. Kết hợp với sự đặc dần của các ống xương mà nó đi qua làm cho dây thần kinh bị chèn ép. Dây thần kinh không được nuôi dưỡng, ngày một thoái hóa dần.
Mặt khác, các mạch máu trong ốc tai bị xơ cứng gây rối loạn nội dịch ở tai trong. Làm ảnh hưởng tới hoạt động của ốc tai. Các nhân tố di truyền thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa chung của toàn cơ thể. Từ đó gây suy giảm thính lực. Ngoài ra, sự giảm sút các hormon tuyến thượng thận và sinh dục cũng làm gia tăng suy giảm thính lực ở người cao tuổi. Nếu người cao tuổi phải làm việc hoặc sinh sống trong môi trường tiếng ồn trên 70dB làm trầm trọng thêm điếc tuổi già và điếc sẽ tiến triển nhanh hơn.
Người cao tuổi cần làm gì khi có dấu hiệu trên?
Để nâng cao tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm sử dụng các cơ sở bệnh viện, người cao tuổi nên đi khám ngay các chuyên khoa phục hồi chức năng, lão khoa để các bác sĩ xác định rõ bệnh và cho phác đồ điều trị, tập luyện không hoặc ít cần sử dụng thuốc nhất để tránh bị bệnh nặng lên.
Đồng thời tập các bài tập luyện trí nhớ, luyện cơ sàn chậu để cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện, hoặc bơi lội, tập Yoga, đi bộ tối đa 150 phút/tuần và hoạt động thể lực ra mồ hồi 2 ngày/tuần nhằm tăng sức khỏe, ngừa bệnh, làm chậm quá trình suy giảm chức năng ở người cao tuổi. Về chế độ ăn uống, người cao tuổi nên ăn những thức ăn chứa nhiều canxi, omega 3, và vitamin. Đồng thời hạn chế sử dụng các chất bột đường, các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
Lời khuyên của thầy thuốc
Người cao tuổi cần tập thói quen vận động ngay cả khi chức năng vận động còn bình thường . Như vậy sẽ làm chậm suy giảm chức năng sinh lý. Khi có suy giảm chức năng vận động cần tập vận động sẽ làm chậm quá trình suy giảm chức năng nặng hơn. Nên nhớ rằng: Đừng đợi đến khi mất chức năng vận động mới tìm cách hồi phục. Ngoài ra cần phát hiện sớm tình trạng tiểu không tự chủ để điều trị. Khuyến khích người cao tuổi mặc tã bỉm nếu gặp phải vấn đề này. Đồng thời cần chú ý phòng ngừa ngã. Vì ngã ở người cao tuổi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong, tàn phế. Từ đó sẽ trở thành là gánh nặng cho gia đình.