Người săn rác trẻ tuổi và câu chuyện môi trường ở xứ sở kim chi

Hong Da-gyeong là một cô gái trẻ 25 tuổi đến từ xứ sở Kim chi. Đồng thời, cô cũng là một nhà hoạt động giáo dục vì môi trường và được mệnh danh là “người săn rác” của Hàn Quốc. Sau khi đi làm tình nguyện ở nhiều quốc gia, cô nhận thấy dù ở đâu, rác thải vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối. Ngay cả với đất nước Hàn Quốc của mình, nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời thì trong tương lai gần, cả một thế hệ sau sẽ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Hiểu được điều đó, trong vòng suốt 4 năm qua, Hong Da-gyeong đã mạo hiểm cả tính mạng của mình để phơi bày sự thật về 40 bãi rác bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Đây là những cơ sở tập trung rác thải dưới cái mác thuê đất trống để làm nhà máy tái chế. Tuy nhiên, bên trong thì hoàn toàn chỉ có rác và rác. Tất nhiên, rác thải ở đây cũng không hề được xử lý theo đúng quy trình.

Hong Da-gyeong- “người săn rác” ở xứ sở Kim chi

Trong 4 năm qua, Hong Da-gyeong (25 tuổi) đã phơi bày 40 bãi rác bất hợp pháp. Đây là những nơi chứa hàng trăm nghìn tấn chất thải chưa qua xử lý trên khắp Hàn Quốc.

Hong Da-gyeong- "người săn rác" ở xứ sở Kim chi
Trong 4 năm qua, Hong Da-gyeong đã phơi bày 40 bãi rác bất hợp pháp

Hong Da-gyeong là nhà hoạt động môi trường. Cô còn được biết đến với cái tên “người săn rác”. Từ năm 2017 đến nay, Hong chuyên tìm kiếm các bãi rác bất hợp pháp. Đồng thời, thu gom chất thải dưới biển, trên đường phố và giáo dục cách tái chế rác.

Cô gái 25 tuổi tin rằng Hàn Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng khiếp về rác thải. Đặc biệt, trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, người dân được khuyến khích ở nhà đã đặt mua nhiều thực phẩm, hàng hóa đóng gói. Điều này dẫn đến sự tích tụ lượng rác khổng lồ.

Rác và hành trình bảo vệ môi trường

Năm 2016, Hong đến Kerikeri, New Zealand khi làm tình nguyện cho một tổ chức phi chính phủ về giáo dục môi trường. Ở đây, cô nhiều lần chứng kiến những chủ nhà hàng trộn lẫn các loại rác vào nhau. Họ không có khái niệm phân loại rác. “Tôi đã rất bất bình và hỏi họ tại sao lại làm vậy. Những người đó nói rằng phân loại rác là vô ích. Vì cuối cùng rác sẽ được chôn xuống đất hoặc ném ra đại dương. Ở một đất nước nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tôi đã rất sốc khi nghe câu trả lời này”.

Ba năm sau đó, Hong đến Baguio (Philippines). Đây là nơi được mệnh danh là “thị trấn rác”. Tại đây, cô nhìn thấy cảnh người dân thoải mái ném rác ra đường. Trong khi đó, những đứa trẻ phân loại rác bằng tay không. Sau đó bán chất thải với giá rẻ mạt. “Hầu hết rác dường như đến từ châu Âu. Mặc dù tôi phát hiện ra một số cũng đến từ Hàn Quốc. Điều này thật kỳ lạ. Vì từ năm 2018, Philippines đã từ chối các lô hàng chất thải không thể tái chế của Hàn Quốc”.

Baguio (Philippines) được mệnh danh là "thị trấn rác"
Baguio (Philippines) được mệnh danh là “thị trấn rác”

Quay trở lại Hàn Quốc và trở thành thành viên của Liên minh Phong trào Công dân Trái đất (một nhóm môi trường địa phương), Hong tin rằng không lâu nữa Hàn Quốc cũng sẽ đối mặt với những vấn đề tương tự. Tại xứ kim chi, các công trường xây dựng, xí nghiệp hay những địa điểm tạo ra lượng rác lớn. Họ thường tìm đến những nơi xử lý rác trái phép. Vì giá thành rẻ hơn nhiều so với đơn vị được cấp phép.

“Người săn rác” và hành trình mạo hiểm cả tính mạng

Các công ty bất hợp pháp thường liên quan đến xã hội đen. Họ sẽ thuê các bãi đất trống, nhà xưởng bỏ hoang để đổ rác mà ít khi thông báo với chủ sở hữu. Hong từng tìm thấy một bãi rác ở Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do được ngụy trang thành nhà máy. Bên ngoài, nó trông rất gọn gàng, sạch sẽ. Nhưng bên trong không có gì ngoài rác thải. “Những người thuê đất nói với chủ sở hữu rằng họ sẽ làm nhà máy tái chế. Tuy nhiên, thực tế họ chỉ đổ rác lên đó. Từ chai nhựa cho đến lon thức ăn, dây sắt, lưới đánh cá. Tất cả được nhồi nhét, chất đống ở bên trong”.

Để tiếp cận được các bãi rác phi pháp, Hong đôi khi phải mạo hiểm cả tính mạng. “Không ai đổ rác trái phép lại mong muốn bạn nhìn thấy và phơi bày hành vi của họ. Nguy hiểm hơn nữa là họ đứng trong tối và biết rõ tên tuổi, mặt mũi của tôi”.

Săn rác là hành trình đầy khó khăn

Việc xác định vị trí những bãi rác bất hợp pháp chưa bao giờ dễ dàng. Các quan chức chính quyền thành phố không bao giờ cung cấp thông tin cho người dân. Vì theo Hong, họ lo lắng hình ảnh của mình bị tổn hại. Vì vậy, nhà hoạt động môi trường đã tự tìm kiếm trên các trang web.

“Tôi đã tìm hiểu các tin tức trực tuyến, trang web của nhà môi giới và diễn đàn dành cho các chủ đất bị người thuê lừa gạt để đổ rác bất hợp pháp. Thông qua hình ảnh, video hay thậm chí chỉ một bình luận ngắn, tôi cố lần mò ra địa chỉ”. Hong nói với The Korea Times. Cô cũng được một người săn rác khác lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn mách nước. Từ đó, cô tìm được vị trí tập kết rác bất hợp pháp trên toàn quốc.

Những bãi rác trái phép khổng lồ ở xứ Kim chi

“Cho đến nay, tôi đã xác định được khoảng 40 bãi tập kết rác bất hợp pháp. Phần lớn trong số đó là ở tỉnh Gyeonggi. Ngoài ra còn có rất nhiều ở tỉnh Gyeongsangbuk-do. Một số khác thì ở thành phố Cheonan”.

Những bãi rác trái phép khổng lồ ở xứ Kim chi
Những bãi rác trá hình nhà máy tái chế ở xứ Kim chi

Một trong những bãi rác bất hợp pháp lớn nhất mà Hong tìm thấy nằm ở huyện Uiseong, tỉnh Gyeongsangbuk-do. Núi rác khổng lồ hình thành từ năm 2016. Và nó chứa khoảng 192.000 tấn chất thải. Bãi rác này thậm chí còn được đài truyền hình Mỹ CNN đưa tin vào tháng 3/2019. Điều này khiến các phóng viên địa phương gọi đó là “nỗi ô nhục trước quốc tế”.

Trước sức ép lớn từ dư luận, Bộ Môi trường và chính quyền địa phương đã vào cuộc để dọn dẹp bãi rác ở Uiseong. Cuối năm 2020, khoảng 130.000 tấn chất thải được tái sử dụng. Chúng được dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy xi măng. Phần còn lại được đốt hoặc chôn xuống đất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!